DI TÍCH LỊCH SỬ “NƠI THÀNH LẬP CHI BỘ PHỐ” – GHI DẤU SỰ RA ĐỜI CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN CỦA ĐỒNG HỚI
Thứ ba - 22/02/2022 03:01
Những ngày này, nhân dân cả nước đang sống trong không khí sôi nổi hướng tới kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2022). Và nhắc đến vai trò lãnh đạo của Đảng, người dân thành phố Đồng Hới không thể nào quên sự kiện quan trọng, mốc son mở đầu cho phong trào cách mạng anh dũng, kiên cường của Đảng bộ và nhân dân thành phố vào tháng 6 năm 1945 khi chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Đồng Hới, lấy tên là “Chi bộ Phố” được thành lập.
Chi bộ Phố ra đời lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân. Trước sự trưởng thành và phát triển có chiều sâu của phong trào công nhân và nhân dân lao động thị xã, đòi hỏi ở Đồng Hới phải có chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo, đưa phong trào cách mạng phát triển đúng hướng. Sau một thời gian tuyên truyền, giáo dục và thử thách trong công tác thực tế, tháng 6 năm 1945, đồng chí Nguyễn Đình Chuyên và đồng chí Hoàng Văn Diệm đã đứng ra thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Đồng Hới, lấy tên là Chi bộ Phố. Lễ thành lập Chi bộ Phố được bí mật tổ chức tại nhà đồng chí Lê Bá Tiệp nằm cạnh quốc lộ 1A, thuộc phường Đồng Đình, thị xã Đồng Hới (nay là đường Quang Trung, phường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới). Sau khi ra đời, Chi bộ đã phân công đảng viên về các thôn xóm đẩy mạnh việc phát triển tổ chức các đoàn thể cứu quốc như “Thanh niên cứu quốc”, “Phụ nữ cứu quốc”, “Nông dân cứu quốc”, “Công chức cứu quốc”. 12 giờ đêm ngày 22 tháng 8 năm 1945, lệnh khởi nghĩa của Tỉnh bộ Việt Minh truyền xuống, các đồng chí Chi bộ Phố và Thị bộ Việt Minh đã dẫn đầu các đội thanh niên bán vũ trang (tiền thân của các đội thị vệ ở thị xã) có sự yểm trợ của lực lượng khởi nghĩa của tỉnh, bí mật tiến vào chiếm dinh Tỉnh trưởng, Kho bạc, Nông khố ngân hàng, Nhà máy Điện nước, Nhà bưu điện, Nhà ga và các công sở… khống chế trại lính bảo an, trong đó có một đơn vị Nhật. Được nhân dân nội thị, trong đó có sự tham gia của các viên chức tiến bộ và công nhân sở tại dẫn đường, việc đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền thực dân và chính quyền Nam triều diễn ra rất nhanh gọn. Những tên cầm đầu chủ chốt trong bộ máy chính quyền của địch nhanh chóng bị bắt. Rạng sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, ở tất cả các cửa Nam, cửa Bắc và cửa Đông của thị xã Đồng Hới, quần chúng cách mạng ở các phường nội thị và các xã ngoại thành đã tự vũ trang bằng tất cả các loại vũ khí thô sơ, giương cao cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ, hô vang khẩu hiệu “ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm” tiến vào thị xã Đồng Hới chiếm cứ các công sở của Pháp, Nhật và tay sai… Đúng 8 giờ ngày 23 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa tiến vào tiếp quản dinh tỉnh trưởng trong tiếng hò reo của nhân dân. Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Bình - Trần Văn Sớ đã long trọng tuyên bố xóa bỏ chính quyền Nhật, Pháp và tay sai từ tỉnh đến cơ sở. Chính quyền đã thực sự về tay nhân dân. Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, Tỉnh ủy Quảng Bình đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là phải củng cố và kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng ở các huyện, thị. Tháng 10 năm 1945, Chi bộ Phố được Tỉnh ủy công nhận là chi bộ chính thức, trực thuộc Tỉnh ủy do đồng chí Hoàng Văn Diệm làm bí thư. Chi bộ Phố tiếp tục đảm nhiệm vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng toàn thị xã, trước mắt chăm lo củng cố và phát triển Mặt trận Việt Minh, các Hội cứu quốc khắp nội thị và các vùng lân cận, đẩy mạnh sản xuất, khắc phục nạn đói, xóa mù chữ, ổn định đời sống mới để tiếp tục bảo vệ và xây dựng chính chuyền cách mạng. Tuy ra đời muộn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh, nhưng khi có tổ chức cơ sở Đảng (Chi bộ Phố), chi bộ đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân thị xã đoàn kết khởi nghĩa giành lại nền độc lập, tự do cho đất nước. Di tích lịch sử “Nơi thành lập Chi bộ Phố” có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa cần được khai thác và phát huy. Di tích lịch sử “Nơi thành lập Chi bộ Phố” ghi dấu sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đồng Hới vào tháng 6 năm 1945. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là mốc son mở đầu cho quá trình đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường của Đảng bộ và nhân dân Đồng Hới. Di tích chính là một nguồn tư liệu lịch sử quan trọng, có giá trị trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng của thế hệ ông, cha đi trước, khẳng định vai trò lãnh đạo quan trọng của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và bồi đắp sức mạnh đoàn kết nhân dân. Xác định được giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng đó, ngày 30 tháng 9 năm 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích “Nơi thành lập Chi bộ Phố”. Năm 2020, tưởng nhớ công lao của những người đi trước, nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, thành phố Đồng Hới đã tôn tạo bia di tích “Chi bộ Phố”. Kỷ niệm những ngày lễ lớn hàng năm như: Ngày thành lập Đảng 3-2, Quốc khánh 2-9, Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27-7... Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đồng Hới đều đến tổ chức dâng hoa tại di tích, tưởng nhớ công lao của các đảng viên đi trước, thấm sâu hơn truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường của Đảng bộ và nhân dân Đồng Hới, để từ đó nỗ lực xây dựng thành phố ngày càng giàu, đẹp, văn minh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI tiếp tục khẳng định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, đưa di tích “Nơi thành lập Chi bộ Phố” trở thành điểm đến trong hành trình tham quan, khám phá thành phố của du khách là việc làm hết sức ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của di tích cũng như phát triển du lịch thành phố. Tuyến tham quan thành phố (city tour) kết hợp cùng các điểm đến khác như Quảng Bình Quan, Bảo tàng Quảng Bình, Quảng trường Hồ Chí Minh, Thành Đồng Hới, Tượng đài Mẹ Suốt… sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa mảnh đất Đồng Hới. Từ khi Chi bộ Phố thành lập đến nay đã hơn 75 năm. Chặng đường hơn 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đồng Hới đang ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại hơn, xứng đáng là “trái tim” của Quảng Bình. Điều đó một lần nữa minh chứng cho vai trò lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đối với sự phát triển của quê hương, đất nước.