Quy trình xử lý nước thải tại nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh, thành phố Đồng Hới
Thứ tư - 16/03/2022 23:46
Thành phố Đồng Hới là trung tâm của tỉnh Quảng Bình, trong những năm qua thành phố Đồng Hới vẫn không ngừng tăng nhanh tốc độ đô thị hóa.
Trước năm 2010, hệ thống xử lý NTSH của thành phố Ðồng Hới được đầu tư xây dựng, tuy nhiên còn chắp vá và chủ yếu cho các tuyến phố chính và một số phường trung tâm. Năm 2014, thành phố Ðồng Hới đưa vào sử dụng hệ thống thu gom, xử lý nước thải và trạm xử lý nước thải Ðức Ninh thuộc Dự án vệ sinh môi trường thành phố Ðồng Hới do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tổng số vốn 78,5 triệu USD, công suất xử lý 10.000 m3/ngày đêm, 14 trạm bơm nước thải, 12 giếng tách và hệ thống các tuyến cống gồm: cống thoát nước chung, cống thoát nước thải, cống cấp 3 với tổng chiều dài 22,1 km cống nước thải chính và 37,87 km cống cấp ba đấu nối hộ gia đình chủ yếu tại các phường Đồng Mỹ, Hải Đình, Đồng Phú và một phần các phường Hải Thành, Bắc Lý, Nam Lý (đạt gần 40% khu vực đô thị), đã giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường cho khu vực trung tâm thành phố. Cùng với hệ thống cống hiện có, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn thành phố Đồng Hới với khối lượng các tuyến ống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải của thành phố Đồng Hới đến thời điểm hiện nay là: 206,099 km đường ống thoát nước và khoảng 8.737 hố ga các loại. Khối lượng xử lý trung bình năm 2021 là 7.801 m3/ngđ.
Qua thời gian hoạt động, dự án bước đầu giải quyết nhu cầu xử lý nước thải sinh hoạt cho nhân dân các phường nội thành. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên việc mở rộng hệ thống thu gom nước thải hộ gia đình của thành phố Đồng Hới còn gặp nhiều khó khăn, nhiều khu vực dân cư chưa có hệ thống thu gom nước thải, đến thời điểm hiện nay mới có khoảng 29% hộ dân đấu nối hệ thống thu gom nước thải trên toàn thành phố. Sau khi Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Đồng Hới (2017-2022) do Ngân hàng Thế giới đầu tư và dự án ADB đầu tư ở Bảo Ninh hoàn thành sẽ nâng tổng số hộ dân được đấu nối lên khoảng 20.764 (đạt khoảng 50%). Ngày 08/02/2021, Ban cán sự tỉnh Quảng Bình đã đồng ý chủ trương nâng công suất nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh lên 25.000m3/ngày đêm đến năm 2030 tại Thông báo số 16-TB/BCSĐ.
Các bước quy trình xử lý nước thải bằng chuỗi sinh học như sau:
Nước thải trên địa bàn thành phố được thu gom qua các đường ống và 13 trạm bơm về Trạm xử lý bằng trạm bơm tiếp nhận (trạm bơm số 12) sẽ đi qua song chắn rác, tại đây các chất rắn có kích thước lớn sẽ được giữ lại và được công nhân thu gom hàng ngày vào thùng đựng rác có dung tích 220lit . Song chắn rác được làm bằng thép không gỉ và vận hành tự động. Để phòng sự cố, Trạm được trang bị hệ thống chảy tràn khẩn cấp với song chắn rác có khe hở 30mm đặt nghịch dòng với song chắn mịn.
Nước thải sau khi qua song chắn rác tự chảy vào bể tách cát. Tại bể này khí sẽ được khuếch tán để tạo sự lưu thông của nước theo phương ngang so với hướng của dòng chảy, bùn sẽ được giữ lơ lửng trong khi cát, đá sẽ được lắng xuống. Cát sỏi lắng xuống đáy sẽ được bơm hút cát bằng 02 máy bơm khí dâng vào thiết bị tách ra ngoài qua các xe đẩy tay. Bùn cát sau khi tách được thu gom vận chuyển ra sân phơi. Nước thải sau khi được tách cát qua thiết bị đo lưu lượng nước sẽ chảy tổng lực vào 02 hồ hiếu khí. Tại 02 hồ hiếu khí, không khí được thổi cưỡng bức liên tục từ đáy hồ bằng máy nén khí theo các đĩa phân phối khí được lắp đặt dưới đáy hồ. Thời gian lưu nước thải tại đây là 01 ngày. Từ hồ hiếu khí nước thải chảy sang 02 cặp hồ phân hủy tùy tiện nối tiếp nhau. Các hồ này có độ sâu 2,5m; thời gian lưu nước thải tại hồ là khoảng 8 ngày. Hồ tùy tiện có khả năng khử Phospho sinh học ở mức cao dựa trên thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của vi khuẩn phospho trong nước thải.
Từ hồ hiếu khí nước thải chảy sang 02 cặp hồ phân hủy tùy tiện nối tiếp nhau. Các hồ này có độ sâu 2,5m; thời gian lưu nước thải tại hồ là khoảng 8 ngày. Hồ tùy tiện có khả năng khử Phospho sinh học ở mức cao dựa trên thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của vi khuẩn phospho trong nước thải. Nước thải sau khi được xử lý tại hồ tùy tiện được dẫn về hồ xử lý triệt để xử lý sinh học. Hồ có độ sâu 1,5m tận dụng dụng ánh sáng mặt trời để diệt khuẩn và phân hủy hữu cơ. Thời gian lưu nước thải trong hồ 02 ngày và được duy trì bằng đê ngăn giữa hồ nhằm kéo dài thời gian di chuyển của dòng nước. Phần nước trong hồ xử lý triệt để tiếp tục chảy sang đầm nhân tạo. Đầm nhân tạo có độ sâu cột nước 1,5m và lớp bùn dày 0,5m, trong đó có trồng cây lục bình, rau má mơ. Nước thải sau khi qua đầm nhân tạo sẽ chảy ra sông Lệ Kỳ. Thời gian lưu nước trong đầm là 02 ngày. Nước thải trước khi chảy ra môi trường tiếp nhận được phân tích, quan trắc liên tục bằng hệ thống quan trắc tự động được kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình để giám sát chất lượng nước đảm bảo quy định xả thải.
Tại các hồ tùy tiện, hồ xử lý triệt để và đầm nhân tạo, tiến hành nuôi cá (cá chép, cá rô phi…) để làm sinh vật chỉ thị và diệt tảo tấm trong các hồ trước khi thải ra sông Lệ Kỳ. Trong quá trình vận hành xử lý tại hồ tùy tiện phát sinh bùn lắng. Lượng bùn phát sinh khoảng 1.051kg/tháng, được thu gom về sân phơi bùn và sử dụng làm phân bón phục vụ nông nghiệp.
Công nghệ xử lý nước thải là Chuỗi hồ sinh học. Đây là loại công nghệ xử lý nước thải thân thiện với môi trường, chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép bảo đảm yêu cầu về môi trường và loại công nghệ này gần gũi với thiên nhiên, phù hợp với chi trả của thành phố. Công suất xử lý của trạm 10.000m3 ngày đêm và đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải cho 78.000 người dân thành phố Đồng Hới. Với năng suất và công nghệ xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh sẽ làm giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu mức độ ngập lụt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nhằm bảo vệ môi trường của thành phố Đồng Hới ngày càng sạch đẹp, văn minh rất cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội, nhất là ý thức, trách nhiệm của người dân trong những việc làm cụ thể hằng ngày là bảo vệ cuộc sống cho chính mình và tất cả mọi người như: Không xả rác sinh hoạt nơi công cộng, không xả chất thải trực tiếp vào hệ thống nước thải sinh hoạt, thu gom rác thải sinh hoạt để đúng nơi quy định..... Vì vậy các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc cùng tham gia quản lý, bảo vệ các công trình nước thải sinh hoạt, hạn chế sự ô nhiễm làm cho cảnh quan thành phố Đồng Hới xanh, sạch, đẹp hơn mỗi ngày, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà./.